NỘI DUNG CHI TIẾT
Tên khoa học: Fallopia multiflora (Thumb.) Haraldson, (Polygoum multiflorumThumb)
Họ: rau răm (Polygonaceae)
Tên gọi khác: Dạ giao đằng (Tày), Địa khu lình (Thái)
Tên vị thuốc: Hà thủ ô đỏ
I. Đặc điểm thực vật
Hà thủ ô đỏ là một loại thân leo, sống nhiều năm. Lá mọc so le có cuống dài, phiến lá hình tim hẹp, dài 5 – 8 cm, rộng 2 – 5 cm, cả hai mặt đều nhẵn, thân, cành, cuống lá màu đỏ tím. Hoa nhỏ, đường kính khoảng 2 mm, có cuống ngắn tư 1 – 3 mm. Hoa mọc thành chùm nhiều nhánh, cánh hoa màu trắng, nhị tám với ba nhị hơi dài hơn. Bầu hình ba cạnh, voi nhụy ngắn gồm ba cái ròi nhau,núm hình mào gà, rủ xuống.
Mùa hoa tháng 10, mùa quả tháng 11.
II. Điều kiện sinh thái và phân bố
Hà thủ ô mọc hoang ở các vùng núi như Sơn la, Lai Châu, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tây Nguyên, … Ha thủ ô còn được trồng và sử dụng nhiều ở Trung Quốc.
Cây Hà thủ ô đỏ có phổ sinh thái rộng. Tuy cây mọc hoang ở vùng rừng núi nhưng khi trồng ở vùng đồng bằng, cây vẫn sinh trưởng rất tốt. Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển là 22 – 27°C, lượng mưa từ 1.500 – 1.800 mm, cây cần đất tơi xốp, nhiều mùn, pH từ 5 – 6,5.
III. Giá trị sử dụng làm thuốc
1. Thành phần hóa học
Hà thủ ô đỏ chứa 1,7% anthraglycosid; crysophanol; emodin; rhein; chứa 1,1% protid; 42,2% tinh bột; 4,5% chất vô cơ; 24,6% chất tan trong nước.
Thành phần hóa học của Hà thủ ô đỏ biến đổi trong quá trình chế biến. Hà thủ ô sống chứa 7,68% tanin, 0,259% dẫn chất anthraquinon tự do, 0,805% anthraquinon toàn phần. Hà thủ ô sau chế biến chứa 3,82% tanin, 0,113% anthraquinon tự do, 0,25% dẫn chất anthraquino toàn phần.
Chất phospholipid có 3,49% trong dược liệu thô và 1,82% trong dược liệu đã chế biến.
2. Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng
a) Bộ phận dùng làm thuốc:
Bộ phận dùng làm thuốc là rễ củ (Radix Polygoni) của cây Hà thủ ô đỏ thu hái vào mùa thu
b) Công dụng:
+ Theo y học cổ truyền
Hà thủ ô đỏ có vị đắng, chát, hơi ngọt, tính ấm. Có tác dụng bổ gan thận, bổ máu, ích tinh tủy, hóa khí huyết, mạnh gân xương, nhuận tràng.
Rễ Hà thủ ô có tác dụng bổ máu, chữa thận suy, gan yếu, tinh thần suy nhược, ngủ kém, sốt rét kinh niên, thiếu máu, đau lưng mỏi gối, di mộng tinh, khí hư, đại tiểu tiện ra máu, khô rát táo bón, da mẫn ngứa không khỏi … Uống lâu làm đen râu tóc với người sớm bạc tóc, làm tóc đỡ khô và rụng. Không dùng Hà thủ ô đỏ cho người có bệnh huyết áp, đường huyết thấp. Khi dùng thì kiêng ăn hành, tỏi, củ cải …
Theo một số tài liệu nước ngoài, ở Ấn Độ rễ hà thủ ô được dùng làm thuốc bổ, chống bệnh scorbut, làm đen râu tóc, …; ở Trung Quốc, Hà thủ ô sống có tác dụng thông tiểu, giải độc, người bị ghẻ lở, tràng nhạc,…Hà thủ ô chế biến có tác dụng bổ gan thận, ích tinh huyết, dùng làm thuốc an thần, tăng lực trong các trường hợp cơ thể suy yếu, chóng mặt, tim hồi hộp, nhức đầu, mất ngủ, suy nhược thần kinh, còi xương, …; ở Nhật Bản, Hà thủ ô đỏ được dùng chữa bệnh viêm da mủ, nấm favut ở chân, …
+ Theo y học hiện đại
Hà thủ ô đỏ có tác dụng dược lí:
Hà thủ ô có chưa lecithin nên dùng cho các bệnh về thần kinh và suy nhược thần kinh. Hà thủ ô có chứa anthraglycosid nên kích thích co bóp ruột, có tác dụng nhuận tràng, kích thích tiêu hóa, cải thiện dinh dưỡng.
Tác dụng nội tiết kiểu oestrogen làm tăng trương lực tử cung trong những thí nghiệm tử cung cô lập; làm tăng tiết sữa, chống viêm trên in vivo.
Tác dụng nâng cao tỷ lệ sống sót, hoặc kéo dài thời gian cầm cự ở động vật đã bị tiêm nọc rắn độc; tác dụng ức chế co thắt cơ trơn ruột cô lập gây bởi histamin và acetylcholin; tác dụng chống co thắt khí – phế quản, kéo dài thời gian an toàn trong mô hình khí dung histamin.
Tác dụng chống viêm trên các mô hình gây viêm thực nghiệm; gây phù cấp tính và viêm mãn tính gây rỉ dịch màng phổi bằng tinh dầu thông; gây viêm dị ứng và viêm đa khớp bằng BCG.
Tác dụng hạ lipid máu, ngăn ngừa sự phát triển của xơ vữa động mạch.
Trong hình ảnh có thể có: thực vật, chim, cây và ngoài trời
IV. Kỹ thuật trồng
1. Chọn vùng trồng
Cây Hà thủ ô có thể trồng được ở vùng núi, trung du và những vùng đất cao không ngập nước của đồng bằng Băc Bộ.
2. Giống và kỹ thuật nhân giống
a) Giống:
Giống hà thủ ô đỏ hiện đang được sử dụng trong trồng trọt là giống được mô tả ở trên, có tên khoa học là Polygoum multiflorum Thumb.
b) Kỹ thuật nhân giống:
Chọn các dây bánh tẻ có 2 – 3 mắt, giâm trong cát, tưới ẩm thường xuyên đảm bảo độ ẩm 90%. Sau 1 tháng, hom giâm ra rễ.
3. Thời vụ trồng
Ở vùng núi, Hà thủ ô đỏ có thể trồng vào vụ xuân (tháng 2, 3) và vụ thu (tháng 9, 10). Ở vùng đồng bằng, Hà thủ ô có thể trồng vào cuối tháng 9, đầu tháng 10. Nếu thâm canh cao thì có thể sau một năm đã có thể thu hoạch được dược liệu.
4. Đất trồng và kỹ thuật làm đất, lên luống
Chọn đất tơi xốp, đất cát pha hoặc đất thịt nhẹ, tầng canh tác dày, ít sỏi đá, không ngập úng, tưới tiêu nước thuận tiện.
Đất cần được cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại, lên luống cao 30 – 35 cm, mặt luống rộng 75 – 80 cm để trồng được hai hàng, rãnh luống rộng 30 cm để thuận tiện cho việc chăm sóc.
5. Phân bón và kỹ thuật bón phân
Hà thủ ô đỏ là cây dài ngày, phàm ăn vì vậy cần phải bón phân lót đầy đủ.
Lượng phân cần bón cho 1 ha bao gồm:
+ Phân chuồng hoai mục: 30 tấn/ha
+ Supe lân: 400 kg/ha
+ Đạm ure: 200 kg/ha
+ Kali clorua: 200 kg/ha
Bón lót: Bón toàn bộ lượng phân chồng hoai mục + Supe lân. Phân chuồng trộn đều với Supe lân bón theo hốc.
Bón thúc: Chia làm 3 thời kỳ
+ Thời kỳ đầu: Khi cây cao 40 – 50 cm bón 1/5 tổng lượng phân
+ Thời kỳ hai: Thời kỳ cây sinh trưởng mạnh (tháng 3), bón 2/3 tổng lượng phân còn lại.
+ Thời kỳ cuối: Vào tháng 5 bón 1/3 lượng phân còn lại.
Mỗi lần bón thúc kết hợp làm cỏ xới xáo, vun gốc cho cây.
6. Mật độ, khoảng cách trồng
Đất xấu: trồng với khoảng cách 30 x 30 cm (5 cây/m²).
Đất tốt: trồng với khoảng cách 30 x 40 cm (3,5 cây/m² kể cả rãnh) hoặc 6,6 cây/m² luống.
7. Kỹ thuật trồng
Đảo đều phân trong hốc, đặt dây chếch 4 – 5°, mắt mầm hướng lên trên, lấp đất chặt chỉ để hở một mắt mầm phía trên, mỗi hốc đặt hai dây. Trồng xong phải tưới nước đủ ẩm ngay cho đến khi cây mọc mầm đều.
8. Chăm sóc và quản lý đồng ruộng
Sau khi cây đã mọc mầm đều cần định kỳ tiến hành tưới nước đủ ẩm cho cây ( 1 – 2 tuần/lần) để cây sinh trưởng tốt, yêu cầu đồng ruộng luôn sạch cỏ dại. Khi cây mọc cao 15 cm cần cắm giàn bằng những cành nhỏ nhiều nhánh cho dây leo. Sau đó cắm cọc cao 1,5 – 1,7 m, nếu cây không leo được, cây sẽ bị chậm sinh trưởng ảnh hưởng đến năng suất củ sau này. Giàn leo là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến năng suất và chất lượng dược liệu.
9. Phòng trừ sâu bệnh
Hà thủ ô đỏ ít bị sâu bệnh phá hại. Ở vùng đồi núi, Hà thủ ô thường hay bị dế cắn gốc, có thể bắt bằng cách đổ nước vào hay làm bả cỏ non trộn lẫn thuốc diệt côn trùng đặt trước cửa hang. Ngoài ra cũng có thể bị rệp hại ngọn cây non hoặc bọ cánh cứng hại lá, có thể dùng thuốc trừ mornitor, ofatox phun nồng độ 0,2% hoặc có thể sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, …
10. Chế độ luôn canh hoặc xen canh
Cây Hà thủ ô có thể luân canh với các cây ngũ cốc hoặc các cây họ đậu, cũng có thể trồng xen ở mép luống các cây đậu xanh hoặc đậu tương.
V. Thu hoạch và bảo quản
1. Thu hoạch
Trong điều kiện trồng trọt, chăm sóc tốt chỉ sau hai năm trồng Hà thủ ô đã cho thu hoạch dược liệu, năng suất có thể đạt trên 20 tấn củ tươi/ha. Thường thu hoạch vào cuối mùa thu, đầu mùa đông khi cây đã tàn lụi, đào lấy củ rửa sạch, cắt bỏ rễ con, củ nhỏ để nguyên, củ lớn bổ đôi đem phơi hoặc sấy khô.
2. Bảo quản
Bảo quản dược liệu trong bao nilon và bao tải để tránh hút ẩm. Để trong kho thoáng,cao ráo.