Cây Trắc đỏ là giống cây gỗ quý thuộc nhóm I, rất quý hiếm và có giá trị kinh tế cao. Gỗ Trắc đỏ có vân đẹp, không bị mối mọt, cong vênh, thích hợp với làm đồ thủ công mỹ nghệ cao cấp. Hiện nay, số lượng cây gỗ Trắc đỏ lớn đang cạn kiệt dần và có nguy cơ bị tuyệt chủng. Vì vậy, việc nhân giống trồng rừng cây Trắc đỏ có ý nghĩa lớn về kinh tế và bảo tồn nguồn gen các loài gỗ quý của nước ta.
Cây Trắc Đỏ
Tên khoa học: Dalbergia cochinchinensis.
Tên gọi khác: Cẩm Lai Nam Bộ, Cây Trắc, Gỗ Trắc….
Đặc điểm cây Trắc đỏ:
Trắc đỏ là loại cây gỗ lớn lâu năm, cao 20-30 m, vỏ màu nâu có nhiều xơ. Lá Trắc đỏ là lá kép lông chim 1 lần mọc cách, dài 15-20 cm, cuống lá dài 10-17 cm mang 7-9 lá chét, lá hình trái xoan đầu nhọn dần. Cây trắc đỏ phát triển tương đối chậm, lúc nhỏ cây chịu bóng, lớn lên ưa sáng. Cây mọc rải rác trong rừng, thường xanh hoặc nửa rụng lá. Vào mùa khô, trắc rụng lá nhưng dễ nảy chồi mới. Hoa tự hình chùm hoặc xim viên chùy ở nách lá. Quả đậu mỏng, dài 5-6 cm, rộng 1-2cm, mang 1-2 hạt màu nâu, hạt nổi gồ ở quả.
Giá trị của gỗ Trắc đỏ:
Gỗ Trắc Đỏ là loại gỗ quý nhóm I, có trọng lượng nặng và cực kỳ rắn chắc. Thớ gỗ rất dẻo dai, không bị cong vênh, chịu được tác động mạnh mẽ từ nắng mưa và thời tiết khắc nghiệt. Gỗ trắc đỏ không bị nứt nẻ nên hoàn toàn phù hợp để làm sàn gỗ, bàn ghế, giường tủ, đồ mỹ nghệ cao cấp… Trắc đỏ nằm trong nhóm cây gỗ quý, giá trị sử dụng có thể lên đến hàng trăm năm.
Các chuyên gia ngành gỗ đánh giá không có loại gỗ nào có kiểu vân đẹp và ấn tượng như gỗ Trắc đỏ. Vân của gỗ trắc đỏ được ví như vẻ đẹp của đám mây, nhẹ nhàng, sắc nét và tạo hiệu ứng 3D độc đáo. Bên trong thân gỗ chứa hàm lượng tinh dầu tạo ra độ sáng bóng, mềm mại và tươi mới cho gỗ.
Trắc đỏ là loại gỗ quý hiếm và ngày càng khan hiếm, giá trị gỗ trắc đỏ tùy thuộc vào tuổi thọ và đường kính của cây. Gỗ trắc đỏ cứng chắc, tỏa ra mùi thơm dịu nhẹ, có sức lan tỏa xa, rất tốt cho sức khỏe. Gỗ trắc đỏ cho ra những sản phẩm nội thất cho màu tươi mới tạo nên không gian cực kì sang trọng và quý phái.
Phân bố cây Trắc đỏ:
Trắc đỏ là loài cây đặc hữu của khu vực Đông Nam Á, cây được tìm thấy nhiều ở Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Ở Việt Nam, cây mọc rải rác ở Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế trở vào Nam, nhiều nhất ở Kon Tum (huyện Đắc Tô, Sa Thầy). Hiện nay, cây gỗ Trắc đỏ đã được nhân giống rộng rãi ở nhiều tỉnh và đưa đi trồng ở khắp các vùng miền trong cả nước.